Các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa chọn ống nhòm phù hợp

Thienvanviet.com giúp bạn cùng tìm hiểu các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa ống nhòm phù hợp khi sử dụng hoặc chọn mua.

Liên hệ

Mã sản phẩm: TV-533

Giao hàng: Chi tiết

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ mua hàng: (024)- 38.535.737 - 0784 619 619 (zalo online 24/24)

Số lượng

Câu Hỏi

Tôi muốn chọn lựa một chiếc ống nhòm tốt và phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình, nhưng chưa biết chọn ống nhòm nào phù hợp vì có quá nhiều chủng loại và các thông số liên quan. Vì vậy, ThienVanViet.com có thể tư vấn giúp tôi hiểu thêm các thông tin các thông tin cơ bản về ống nhòm cũng như các yếu tố cần thiết khi lựa chọn ống nhòm để tìm được ống nhòm phù hợp nhất?

 

Trả lời

Đây cũng là câu hỏi chung và ý kiến băn khoăn của rất nhiều người khi tìm hiểu và lựa chọn ống nhòm, để tránh rơi vào "ma trận" thông tin ảo về chất lượng và các loại sản phẩm ống nhòm, Thiên Văn Việt sẽ trả lời từng vấn đề, để người sử dụng có được cái nhìn tổng quan cơ bản nhất về ống nhòm, với các nội dung dưới đây:

Ống nhòm là một trong những thiết bị quang học được biết đến và sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Thực tế thì bất cứ ai thường xuyên tham gia các hoạt động ngoài trời  thường sở hữu (hay ít nhất là nên sở hữu) một chiếc ống nhòm.  Đây cũng là thiết bị rất cần thiết và quan trọng cho những người quan sát thiên văn, thợ săn, câu cá, ngư dân dánh bắt xa bờ, những người chèo thuyền chuyên nghiệp hay thường xuyên theo dõi các hoạt động thể thao, thậm chí ngay cả những “phượt” thủ chuyên nghiệp cũng nên trang bị cho mình 1 chiếc ống nhòm tốt.

Chúng tôi (ThienVanViet.com) sẽ đề cập đến các vấn đề cơ bản khi lựa chọn ống nhòm trong phạm vi bài viết này với mong muốn giúp những người cần tìm hiểu các thông tin cơ bản quan trọng của ống nhòm phần nào có được cái nhìn cơ bản về các thông tin của sản phẩm trước khi chọn lựa một chiếc ống nhòm phù hợp và ưng ý. Theo đó, các thông tin cụ thể sẽ được thienvanviet.com chú thích và diễn giải sao cho phù hợp nhất với từng nhu cầu sử dụng ống nhòm trong các mục đích cụ thể, phạm vi bài viết này không xét đến loại ống nhòm đồ chơi trẻ em hoặc ống nhòm xem kịch, hoà nhạc, xem opera vì chúng không phổ biến và có thiết kế quá đơn giản khi đánh giá.

Trường hợp muốn tìm hiểu sâu hơn nữa về bất cứ thông số nào của ống nhòm, xin hãy trực tiếp liên hệ với bộ phận kỹ thuật của thienvanviet.com để được tư vấn kỹ hơn.

Để khởi đầu, chúng ta có thể xem ống nhòm thông thường (loại 2 mắt) như là hai ống kính viễn vọng loại nhỏ được kết nối với nhau bởi một hệ thống cơ khí từ đơn giản đến phức tạp (tuỳ theo từng loại ống nhòm). Mặc dù kính viễn vọng và ống nhòm đều có điểm khác nhau về hiệu năng và mục đích sử dụng, nhưng chúng cũng có những điểm giống nhau về thiết kế và một số bộ phận quang học.

Mỗi bên ống nhòm bao gồm 1 số thành phần cơ bản không thể thiếu như vật kính, thị kính, hệ thống lăng kính, ống kính, cơ cấu chỉnh nét và nhiều bộ phận liên quan khác... Ống nhòm là dạng thiết bị quang học được tích hợp sẵn bộ phận đảo ảnh phía trong ống để đảm bảo ảnh quan sát được thuận chiều theo không gian thực, nên rất thuận tiện để quan sát địa văn (quan sát các đối tượng trên mặt đất) hoặc để định vị các mục tiêu thiên văn cần quan sát trong đêm . Một ống nhòm tốt là dụng cụ không thể thiếu đối với người quan sát thiên văn, thợ săn, người quan sát thể thao, du lịch, ngắm chim chóc, hoa cỏ và quan sát thiên nhiên. Thậm chí nếu bạn chỉ muốn có tầm nhìn tốt hơn khi xem bóng đá, ca nhạc hay ngắm cảnh vật thơ mộng trải dài nơi thôn dã thì đầu tư một chiếc ống nhòm tốt cũng là điều hoàn toàn chính đáng. Vậy khi chọn ống nhòm tốt, chúng ta cần quan tâm đến những yếu tố chính cơ bản sau. 

Một số thông số cơ bản cần quan tâm khi lựa chọn ống nhòm:

 

1. Yếu tố về chất lượng của ống nhòm:

Xin hãy nhớ rằng khi chúng ta đề cập đến một chiếc ống nhòm tốt nghĩa là phải tốt về tất cả các khía cạnh, không riêng gì về chất lượng quang học mà còn cả về chất lượng của liệu chế tạo, kết cấu, thành phần cơ học, công nghệ chế tạo… những yếu tố về chất lượng phải là tiêu chí quan trọng hàng đầu đứng trên mọi tiêu chí khác như hình thức, thương hiệu, trọng lượng hay phụ kiện kèm theo. Nếu những ống nhòm nào được chế tạo cẩn thận từ những vật liệu chất lượng cao cũng thường là những ống nhòm tốt, tuy nhiên cũng khiến chi phí sản xuất tăng cao hơn với những ống nhòm loại bình dân phổ thông, nhưng tiền nào thì của ấy. Vì việc kiểm soát chất lượng thường “ngốn” thêm chi phí đối với nhà sản xuất (và tất nhiên theo đó cũng ngốn thêm tiền của người dùng), nhưng cũng đáng để bỏ ra cho khoản trên, vì ống nhòm sẽ có chất lượng tốt và đảm bảo hơn, hoạt động bền bỉ lâu dài hơn hẳn các loại ống nhòm ở “chiếu dưới”.

Thực tế cho thấy có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cả chất lượng và giá cả của ống nhòm, trong đó bao gồm cả việc chọn lựa nguyên liệu chế tạo ngay từ những công đoạn chế tạo đầu tiên cho đến việc chế tác các thành phần quang học và lăng kính, cách thiết kế của thị kính - vật kính, kích cỡ và dạng thiết kế của các lăng kính, quy trình mài và đánh bóng các thành phần quang học, chất lượng và công nghệ tráng phủ chống phản quang....Việc chọn lựa khi chế tạo các thành phần cơ học của ống nhòm hay dạng thiết kế trong lòng ống bằng các loại vật liệu khác nhau cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng của sản phẩm, thậm chí ngay cả cách các thấu kính và lăng kính và các vòng đệm sắp xếp ra sao, cơ cấu lấy nét thế nào hay chất liệu vỏ bọc cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và giá cả của ống nhòm.

Vì vậy, ngoài yếu tố quan trọng nhất là chất lượng nói chung, cần xem xét thêm các thông tin cụ thể chủ đạo sau đây:

 

 2. Yếu tố về thương hiệu

Mặc dù không phải là tuyệt đối và duy nhất, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận trong một số trường hợp thì thương hiệu của ống nhòm có thể sử dụng như một tiêu chí để khẳng định chất lượng và đẳng cấp của ống nhòm, nhưng điều này thường chỉ đúng đối với một số thương hiệu hàng đầu như: Swarovski, Zeiss, Leica, Minolta... đây là những thương hiệu chú trọng về chất lượng sản phẩm hơn là việc gia tăng số lượng ồ ạt. Một số hãng khác thường sử dụng chiến lược xây dựng thương hiệu từ các sản phẩm có mức giá đa dạng như Nikon, Celestron, Bushnell, Pentax, Steiner.... ngoài những thương hiệu mà thienvanviet.com đã đề cập ở trên thì rất nhiều thương hiệu khác cũng chọn cách này để xây dựng và phát triển. Mặc dù vậy, dù là thương hiệu nào đi nữa, xin hãy nhớ: tiền nào thì của đó, đắt thì xắt ra miếng mà của rẻ thì thường là… của ôi.

 

3. Độ phóng đại

Trên thân các loại ống nhòm thường ghi hai loại thông số cơ bản là độ phóng đại và kích cỡ vật kính. Ví dụ: 7x25, 8x40 hay 10x50, các thông số  trên có thể được diễn giải như sau: số đầu tiên cho biết độ phóng đại của ống nhòm, số thứ hai biểu thị kích cỡ hay độ lớn của vật kính (tính theo đơn vị mm). Thông tin về độ phóng đại là yếu tố được quan tâm đầu tiên khi chọn mua ống nhòm của nhiều người. Giả dụ: nếu ống nhòm có ghi 8x40 nghĩa là độ phóng đại của ảnh qua ống nhòm sẽ đạt 8 lần (hay mức độ thu hẹp khoảng cách sẽ tương đương 8 lần khi so với nhìn  bằng mắt thường), vì vậy chữ số đầu tiên luôn là thông tin đề cập đến độ phóng đại của ống nhòm, nhiều loại ống nhòm có nhiều mức phóng đại khác nhau, nhưng các mức phóng đại phổ thông thường là 6x, 7x, 8x, 9x, 10x lần.

Ảnh đánh giá thực tế cho thấy chất lượng ảnh qua cùng ống nhòm ở độ phóng đại 6x và 12x có sự khác biệt rõ rệt, trong khi ống nhòm ở cấp độ phóng đại 6x cho chất lượng ảnh tốt, độ tương phản cao, sắc nét, màu sắc đẹp, trường nhìn rộng, nước ảnh sáng và có chiều sâu thì trái lại ảnh ở cấp độ 12x chỉ hơn được độ phóng đại, còn lại các yếu tố màu sắc, trường nhìn, độ nét và độ ổn định đều kém hơn. Vì vậy, không phải ống nhòm cứ phóng đại cao thì đã là tốt, vì cái giá phải trả cho việc phóng lớn thêm hình không hề nhỏ.

Các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa chọn ống nhòm phù hợp

Ngoài ra, cũng có nhiều loại ống nhòm với khả năng thu-phóng hình ảnh, được gọi là ống nhòm Zoom, như ống nhòm Zoom 7-21x50 (độ phóng đại từ 7 đến 21 lần) hay ống nhòm Zoom 10-22x50 (độ phóng đại từ 10 đến 22 lần). Tuy nhiên, chất lượng của những loại ống nhòm zoom thường thay đổi thất thường và chất lượng hình ảnh có sự chênh lệch lớn giữa độ phóng đại nhỏ nhất và lớn nhất, điều này là hiển nhiên do độ lớn vật kính không thể thay đổi để tăng cường chất lượng ảnh theo độ phóng đại tương ứng, mà chỉ có mức độ phóng đại là thay đổi, khiến cho ảnh càng phóng to thì càng tối và mờ đi, trường nhìn cũng càng phải thu hẹp lại. Hãy thử xét một ống nhòm zoom 7-21x50, tại mức phóng đại 7x, hệ số thu sáng là trên 50 cho thấy khả năng thu sáng rất mạnh của ống nhòm giúp cho ảnh nét và sáng rõ, trong khi ở độ phóng đại 21x hệ số thu sáng chỉ là 5.6 khiến ảnh bị tối và mờ đi rất nhiều, sự chêch lệch quá lớn và rõ rệt như trên khiến chất lượng ảnh biến động rất mạnh. Hơn nữa, cũng cần lưu ý rằng chất lượng quang học của một ống nhòm Zoom thường thua kém ống nhòm có độ phóng đại cố định dù so sánh tại bất cứ độ phóng đại tương ứng nào, nguyên nhân do cơ cấu Zoom của ống nhòm là một hệ thống các thấu kính luôn chuyển động bên trong ống nhòm và cơ cấu cơ khí khi zoom để đồng bộ thị kính của ống nhòm luôn có độ dung sai hay còn gọi là độ “rơ” nhất định, khiến cho hệ thống quang học không được ổn định như ống nhòm có độ phóng đại cố định.

Nhìn chung, các ống nhòm zoom nhiều khi không được “hoành tráng” hay ngon bổ rẻ như nhiều người mong đợi, nên đừng quá kỳ vọng vào thông số zoom phóng đại mà bỏ qua các yếu tố quan trọng khác.

Trường hợp vẫn thích ống nhòm có khả năng thu-phóng (Zoom) thì nên chọn lựa các loại ống nhòm Zoom của các hãng danh tiếng, có chất lượng tốt, hoặc chọn các loại ống nhòm đã qua sử dụng nhưng còn tốt của Nhật, Mỹ, Châu Âu, Nga, một số nước Đông Âu ... Cần tránh các loại ống nhòm chất lượng kém theo dạng hàng gia công của Trung Quốc (nhưng cũng không nên quá thành kiến với toàn bộ các loại hàng Trung Quốc, vì nếu là ống nhòm thuộc danh mục hàng chất lượng cao của Trung Quốc hoặc dành cho xuất khẩu sang các thị trường khó tính, hay sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng và có sự giám sát về tiêu chuẩn của các hãng nổi tiếng thì chất lượng cũng rất đáng nể và không hề thua kém nhiều loại ống nhòm cao cấp, điều quan trọng là phải biết cách phân biệt và lựa chọn sao cho đúng), ngoài ra khi sử dụng ống nhòm Zoom thì nên trang bị kèm 1 chân đế ổn định và giá đỡ để gắn ống nhòm vào chân đế khi sử dụng để tăng cường độ ổn định của ảnh.

Một số loại ống nhòm có tính năng Thu-Phóng (Zoom Binoculars)

Các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa chọn ống nhòm phù hợp

 

Các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa chọn ống nhòm phù hợp

 

Khi đánh giá về độ phóng đại, xin hãy nhớ rằng mọi yếu tố đều được thay đổi tăng-giảm tương ứng khi nhìn qua ống nhòm, kể cả mặt xấu-tốt, từ độ phóng đại của ảnh, độ rung lắc, độ rộng-hẹp của trường quan sát... đặc biệt là độ rung của ảnh khi quan sát cũng bị tăng mạnh do tay người cầm. Vì vậy, ảnh càng phóng đại thì càng khó giữ được sự ổn định và chất lượng bị giảm sút, mức độ rung tăng theo độ phóng đại của ảnh, do đó các ống nhòm có mức phóng đại 6x,7x,8x thường dễ sử dụng hơn rất nhiều so với những loại ống có mức phóng đại cao hơn.

Trong thực tế, những ống nhòm có chỉ số độ phóng đại lớn dường như luôn có sự hấp dẫn với người xem, nhưng mặt trái là ảnh càng phóng to thì chất lượng càng giảm, ảnh quan sát được cũng bị mờ và rung hơn rất nhiều, trong khi chi tiết quan sát được chưa chắc đã nhiều và rõ hơn loại ống nhòm có độ phóng đại và độ lớn vật kính phù hợp. Điều này lý giải tại sao loại ống nhòm 7x và 8x thường được chọn lựa sử dụng bởi những người quan sát chuyên nghiệp hoặc trong khi chế tạo các ống nhòm quân sự.

Độ phóng đại là yếu tố chính ảnh hưởng đến độ sáng và độ rộng của trường quan sát, mọi thứ đều cần đến sự cân bằng, ống nhòm cũng không ngoại lệ. Vì vậy, độ phóng đại cũng cần phải có sự tương quan cân bằng hợp lý giữa các yếu tố khác thì mới gọi là tối ưu nhất. Không nên quá “ham hố” độ phóng đại lớn làm gì khi đang muốn chọn lựa một ống nhòm phù hợp nhất.

 

4. Độ lớn của vật kính

Một trong hai chỉ số mà ống nhòm đề cập đến trong các thông số chính, là đường kính vật kính của ống nhòm, được tính theo mm. Ví dụ với thông số 7x50 nghĩa là thấu kính phía trước của ống nhòm (hay còn gọi là vật kính) sẽ có đường kính 50mm. Nếu ống nhòm loại cầm tay nào có cỡ vật kính 50mm thì có thể coi là ống nhòm có cỡ vật kính lớn (không xét đến ống nhòm có giá đỡ). Độ lớn của vật kính rất quan trọng đối với ống nhòm, vì ống nhòm có vật kính càng lớn thì khả năng thu sáng càng mạnh, đồng nghĩa với việc ảnh sẽ nét và sáng hơn (xét trường hợp độ phóng đại cũng phù hợp tương ứng với độ lớn vật kính).

Trong trường hợp các yếu tố khác cũng cân bằng và ổn định, ống nhòm có vật kính lớn sẽ có ưu thế hơn trong việc quan sát các vật thể tối và mờ. Các loại ống nhòm 7x50 tốt là ví dụ điển hình, chúng thường được gọi là “kính nhìn đêm – night glasses” bởi khả năng quan sát tốt trong các môi trường thiếu ánh sáng hoặc đêm tối mờ tốt hơn rất nhiều so với các loại ống nhòm mà tỷ lệ phóng đại và kích cỡ vật kính của chúng thiếu đi sự cân bằng.

Thế nhưng nhưng cái giá phải trả cho lợi thế này chính là kích cỡ và trọng lượng ống nhòm đều phải tăng, vật kính càng lớn thì ống nhòm càng nặng và cồng kềnh, tuy nhiên trong nhiều trường hợp sự “hy sinh” này cũng rất đáng giá cho những gì bạn quan sát được.

Mặc dù vậy, cũng đừng quá ham kích cỡ vật kính lớn mà sử dụng những chiếc ống nhòm quá lớn và nặng, sẽ dẫn đến rất nhiều điều bất tiện và khó chịu, thậm chí còn phản tác dụng, vấn đề này sẽ được thienvanviet.com đề cập kỹ hơn trong bài "Hướng dẫn lựa chọn ống nhòm phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng".

Vật kính ống nhòm lớn cho lợi thế về chất lượng hình ảnh

Các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa chọn ống nhòm phù hợp

 

 5. Đánh giá về hệ thống lăng kính.

 Lăng kính là bộ phận phía bên trong lòng ống nhòm, nó là bộ phận giúp cho ảnh quan sát được thuận chiều theo không gian thực như khi nhìn bằng mắt thường, có hai loại lăng kính thường được sử dụng cho ống nhòm, đó là lăng kính đổi góc Porro, và lăng kính dạng thẳng Roof.

 

Đối với ống nhòm sử dụng lăng kính ROOF

 

Một dạng lăng kính Roof hiếm

Các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa chọn ống nhòm phù hợp

Một dạng lăng kính Roof hiện nay.

 Các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa chọn ống nhòm phù hợp

Lăng kính roof là loại lăng kính nằm đồng trục với ống kính của ống nhòm, thiết kế của dạng lăng kính này giúp cho ống nhòm gọn nhẹ hơn. Điểm dễ nhận biết nhất của ống nhòm có lăng kính roof là ống kính của ống nhòm luôn có dạng thẳng (Vật kính và thị kính sắp xếp với nhau thẳng hàng), do tính gọn nhẹ cơ động, nên những ống nhòm dạng này luôn thường được những người ưa vận động hoặc hay tham gia các hoạt động ngoài trời chọn lựa mang theo. Tuy nhiên, dòng ống nhòm roof cũng có điểm hạn chế nhất định khi sử dụng, nguyên nhân do loại này thường có thiết kế kiểu 2 ống được ghép vào phần thân giữa bởi hai trục song song riêng biệt (dạng như bản lề cửa) nên khi mới sử dụng cũng như điều chỉnh khoảng cách giữa hai mắt nếu chưa quen thì sẽ khó chuẩn xác và không được tinh tế như loại ống nhòm có một trục giữa. Ống nhòm dạng lăng kính roof loại tốt cho chất lượng ảnh xuất sắc chẳng kém gì ống nhòm lăng kính Porro tốt nhất trên thị trường, nhưng thực tế để đạt được điều này thì lại không hề đơn giản, vì muốn được như vậy thì ống nhòm roof thường có chi phí sản xuất rất cao và cũng chỉ nằm ở phân khúc ống nhòm cao cấp. Nếu muốn đầu tư một chiếc ống nhòm roof cao cấp thì việc tiết kiệm chi phí hay cắt giảm ngân sách là rất khó, vì vậy cần cân nhắc kỹ ngân sách của bạn khi chọn lựa.

Ưu điểm của ống nhòm lăng kính Roof: Gọn nhẹ, dễ sử dụng, bền chắc với thời gian, ít bị lỗi.

Nhược điểm: Giá cao nếu muốn có chất lượng tốt.

 

Đối với ống nhòm dạng lăng kính PORRO

 

Một dạng cụm lăng kính Porro

Các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa chọn ống nhòm phù hợp

 

Lăng kính Porro: đây là dạng lăng kính với hình dáng đặc thù và khá dễ phân biệt bởi hình dáng và cách sắp xếp phía trong ống nhòm, có thể nhận biết ống nhòm có thiết kế lăng kính porro thông qua hình dạng của ống nhòm, với đặc điểm vật kính và thị kính không cùng nằm trên một đường thẳng, trước đây dạng thiết kế lăng kính porro thường cho chất lượng ảnh và chiều sâu của không gian quan sát tốt hơn so với ống nhòm dạng lăng kính roof khi so sánh trong cùng tầm giá và vật liệu (nhất là khi so sánh các loại ống nhòm cùng hạng trung cấp với nhau), tuy nhiên ngày nay khoảng cách này không còn lớn và đang bị rút ngắn dần bởi các công nghệ chế tạo ngày càng tiên tiến hiện nay được áp dụng trên ống nhòm lăng kính roof. Vì vậy, cũng đừng quá lo lắng hay bị ám ảnh khi lựa chọn ống nhòm lăng kính porro hay ống nhòm lăng kính roof. Một đặc điểm nữa đối với ống nhòm lăng kính porro là thường có thiết kế trục lấy nét đơn, trục này giúp ghép trực tiếp 2 phần thân ống với nhau, điều này mang lại lợi thế cho người sử dụng muốn chỉnh khoảng cách giữa hai mắt khi quan sát.

Mặt khác, tương tự như ống nhòm lăng kính roof, không phải ống nhòm lăng kính porro nào chất lượng cũng giống nhau. Về lý thuyết (chỉ là về lý thuyết thôi nhé), nếu lăng kính ống nhòm được làm bằng thuỷ tinh Bak-4 là tốt nhất, vì chúng có khả năng phản quang toàn phần các phần ánh sáng tới nên cho nước ảnh sáng rõ hơn một số loại thuỷ tinh quang học khác, loại thuỷ tinh này khá có giá khá cao, nên giá thành và giá cả của các loại ống nhòm có lăng kính dạng này cũng thường tăng cao tương ứng. Ngoài lăng kính Bak4 thì loại lăng kính thuỷ tinh Bk-7 cũng thường được sử dụng để chế tạo lăng kính ống nhòm cho các sản phẩm tầm trung hoặc có giá thấp hơn, do vậy giá cả thấp hơn cũng mang lại lợi thế cho các sản phẩm này. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu xét một cách công bằng, khách quan và chuyên sâu thì lăng kính Bak4 chưa hẳn đã “thần thánh” như nhiều hãng sản xuất quảng cáo hoặc như nhiều người lầm tưởng, nguyên nhân nằm ở việc lăng kính BK7 cho chất lượng ảnh có màu sắc trung thực hơn lăng kính Bak4, tỷ lệ phần trăm bị hấp thụ của ánh sáng khi truyền qua thuỷ tinh Bk7 thấp hơn so với thuỷ tinh Bk4, vì vậy lăng kính Bk7 giúp mang lại độ nét cao cho ảnh, do đó thực tế hiện nay không hiếm các thiết bị quang học chất lượng cao của nhiều hãng nổi tiếng hiện nay vẫn đang sử dụng thuỷ tinh Bk7. Xin hãy nhớ rằng mặc dù khả năng phản xạ của thuỷ tinh Bk7 không phải là toàn phần, nhưng đó là chỉ tại những khu vực rìa ngoài của lăng kính, tại một số góc phản xạ nhất định. Vì vậy, độ sáng và độ nét tại khu vực trung tâm phía trong lăng kính cũng tốt chẳng kém gì thuỷ tinh Bak4, do đó cũng không nên quá “thần tượng” các loại ống nhòm có lăng kính Bak4 mà bỏ quên các loại ống nhòm lăng kính Bk7 có chất lượng tốt.

Vì những lý do trên mà cần phải xem xét thêm một loạt các yếu tố khác nữa thì mới có thể chọn lựa và đánh giá ống nhòm được chính xác nhất. Lịch sử phát triển lâu dài và thời gian cho thấy các loại ống nhòm lăng kính Bk7 được chế tạo cẩn thận và tinh tế của các thương hiệu lớn vẫn cho chất lượng và đẳng cấp vượt trội so với các loại ống nhòm dán mác lăng kính Bak4 trên thị trường hiện nay.

Chú ý: đối với các loại ống nhòm trôi nổi, thương hiệu và chất lượng khó kiểm định trên thị trường hiện nay thường bị các nhà sản xuất cung cấp thông tin một cách mập mờ, thì việc phân biệt lăng kính Bak4 và Bk7 cũng không còn được dễ dàng như trước, do các loại ống nhòm này sử dụng vật liệu thuỷ tinh quang học chất lượng kém hơn, nhưng đặc điểm trực quan khi quan sát qua thì gần tương tự. Do đó việc phân biệt dạng lăng kính theo kiểu “sơ đẳng” như nhìn vào độ tròn – khuyết bên trong thị kính để “phán” xem đó là thuỷ tinh Bak4 hay Bk7 hiện nay đã không còn chính xác nữa, cho dù vẫn còn giá trị tham khảo trong phần lớn các trường hợp khi cần phân biệt nhanh, nhưng cách này không còn là “kim chỉ nam” để đảm bảo độ chính xác cao tuyệt đối như trước đây được nữa, cách tốt nhất là phải quan sát và so sánh trực tiếp hoặc tham khảo ý kiến tư vấn từ các chuyên gia quang học, những người có kinh nghiệm tốt.

Ưu điểm của ống nhòm lăng kính Porro: Giá thành chế tạo rẻ hơn, vì vậy dễ chế tạo và sản xuất hàng loạt, chất lượng quang học ở những sản phẩm tầm trung có ưu thế hơn đôi chút so với loại cùng tầm giá của ống nhòm lăng kính roof.

Nhược điểm: Cồng kềnh và nặng, dễ bị lỗi, hay bị lệch trục hoặc lỗi vặt nếu không được căn chỉnh và kiểm tra bởi bên bán hoặc nhà phân phối giàu kinh nghiệm, khó tích hợp khả năng chống nước hoặc khả năng chống nước yếu, khoảng cách giữa hai ống kính lớn, khiến việc quan sát trong môi trường hẹp kém cơ động và kém hiệu quả, đặc biệt là trong các môi trường có không gian hạn chế hoặc các vị trí quan sát khó, không phù hợp khi theo dõi tại các vị trí nấp bí mật như ống nhòm dạng lăng kính roof...

 

6. Các lớp tráng phủ chống phản quang ảnh hưởng lớn đến chất lượng ống nhòm

Hầu hết các loại ống nhòm hiện nay đều có lớp tráng phủ chống phản quang trên bề mặt kính, các lớp tráng phủ này có tác dụng nâng cao tỷ lệ truyền dẫn ánh sáng khi đi qua kính. Có thể biết được hệ thống quang học của ống nhòm được tráng phủ hay không bằng cách nhìn vào bề mặt thấu kính sẽ thấy ánh phản quang với các màu sắc phản chiếu ánh xanh lá, đỏ, xanh da trời hoặc vàng, tím...Tuỳ thuộc vào công nghệ tráng phủ, số lớp tráng phủ, chi phí tráng phủ, mục đích sử dụng mà màu sắc của các lớp tráng phủ cũng rất khác nhau. Các lớp tráng phủ chống phản quang có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng ảnh, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc của ảnh quan sát được, đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quang học của ống nhòm hoặc các thiết bị quang học nói chung.

Chú ý: Điểm xuất sắc và tinh tế của một ống nhòm chất lượng cao chính là việc cân đối điều chỉnh làm sao cho các lớp chống phản quang tương hợp với nhau hiệu quả nhất mà vẫn giữ nguyên được độ trong, nét và màu sắc của ảnh sau khi quan sát. Mức độ chính xác về màu sắc gần với màu thực của đối tượng được quan sát nhất. Đây là điểm mấu chốt tạo nên đẳng cấp thực sự của một ống nhòm chứ không phải cứ “chăm chăm” nhìn xem ống nhòm dùng lăng kính loại gì rồi “phán” lung tung về chất lượng. Để làm được điều này thì đòi hỏi trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm và kiến thức rất sâu về quang học, quang phổ và các vật liệu thuỷ tinh quang học, kết hợp với các phần mềm thiết kế, chế tạo kính chuyên dụng, đi đôi với đó thì máy móc thiết bị cũng phải có công nghệ rất cao mới có thể đáp ứng được yêu cầu trên.

Trên thân một số ống nhòm đôi khi cũng ghi kèm các chú giải về lớp tráng phủ, có các dạng chú giải sau:

Coated hoặc Coated Lens: có ít nhất một lớp tráng phủ chống phản quang trên bề mặt của một hoặc vài thấu kính, thông thường là thấu kính đầu tiên và thấu kính sau cùng trong hệ truyền quang.

Fully Coated: tất cả các thành phần kính đều được tráng phủ một lớp chống phản quang trên bề mặt các thấu kính, nếu lớp tráng phủ tốt thì sự khác biệt chất lượng so với kính không tráng phủ đã là khá rõ ràng và dễ nhận biết.

Multi Coated: ngoài việc tất cả các thành phần thấu kính được tráng phủ một lớp chống phản quang thì sẽ có thêm ít nhất một thành phần kính nữa được tráng phủ nhiều lớp chống phản quang để nâng cao chất lượng ảnh.

Fully Multi Coated: Tất cả các thành phần thấu kính quang học đều được tráng phủ nhiều lớp chống phản quang, các thiết bị quang học được trang bị công nghệ tráng phủ này thường rất đắt đỏ, nguyên nhân do chi phí và trình độ kỹ thuật để tráng phủ đa lớp chống phản quang toàn phần rất cao, kéo theo đó là chi phí sản xuất của  ống nhòm cũng tăng theo. Theo tính toán và từ kinh nghiệm thực tế khi chế tạo các thiết bị của thienvanviet.com cho thấy chi phí tráng phủ Fully Multi Coated cho các thành phần kính có thể cao gấp từ 15 đến hơn 50 lần so với các lớp tráng phủ thông thường Coated hoặc Fully Coated.

Sự khác biệt rất lớn về khả năng truyền dẫn ánh sáng giữa các thấu kính ở các mức độ tráng phủ khác nhau, thấu kính nào có càng ít hình ảnh bị phản chiếu trên bề mặt thì tỷ lệ ánh sáng bị phản xạ gây tạp nhiễu càng ít, đồng nghĩa với chất lượng ảnh thu được sẽ tốt hơn.

 Các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa chọn ống nhòm phù hợp

7. Mức độ chuẩn trực của ống nhòm.

Chuẩn trực bao gồm cả yếu tố quang học và cơ khí trên thân ống nhòm. Nếu một ống nhòm bị lệch trục (hay còn gọi là mất chuẩn trực), khi nhìn vào sẽ thấy hiện tượng hình đôi (hai hình không nhập vào làm một), gây mỏi và đau mắt, hoa mắt chóng mặt rất nhanh. Chỉ số này rất quan trọng nhưng thường bị bỏ quên hoặc cố tình không được đề cập đến, do việc kiểm tra và chuẩn trực chính xác một chiếc ống nhòm đạt tiêu chuẩn là việc không hề dễ dàng.

Nhiều loại ống nhòm rẻ tiền thường hay bị hiện tượng này, trong khi ống nhòm tốt thường được chuẩn trực cẩn thận hơn, đôi khi còn được chuẩn trực bằng tia laser để đảm bảo độ chính xác. Quy trình chuẩn trực chính xác và đúng tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn thêm thời gian và tiền bạc, nhưng đây là quy trình rất cần thiết và hiệu quả mang lại rất đáng để thực hiện (vì vậy, tất cả các ống nhòm do thienvanviet.com phân phối đảm bảo đều đã được các chuyên gia và kỹ thuật viên có tay nghề cao chuẩn trực hoặc căn chỉnh lại bằng máy chuẩn trực và máy chuẩn tâm trước khi phân phối đến tay người sử dụng, cho dù đó là loại sản phẩm có giá cao hay thấp, nên hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng của sản phẩm tại thienvanviet.com). Ống nhòm nếu chỉ chuẩn trực ở mức độ tương đối thì không khó, nhưng để chuẩn trực đến cấp độ chính xác cao thì cực khó, đòi hỏi trình độ tay nghề và kinh nghiệm rất cao từ người căn chỉnh, nếu được chuẩn trực chính xác, ảnh sẽ rất nét và không bị mỏi mắt khi quan sát trong thời gian dài, nhiều ống nhòm giá cao nhưng mức độ chuẩn trực không đạt cấp độ chính xác tiêu chuẩn thì khi sử dụng vẫn bị mỏi mắt nhanh chóng. Yếu tố chuẩn trực chính xác hoàn hảo thường chỉ có ở những ống nhòm thực sự ở đẳng cấp cao và các thương hiệu rất nổi tiếng, đây cũng là điểm khác biệt rất lớn giữa những ống nhòm chất lượng cao, có thương hiệu và dĩ nhiên giá bán luôn ở mức hàng đầu khi so sánh với những loại ống nhòm phổ thông, tuy nhiên lợi thế mang lại cũng rất đáng tiền nếu người dùng thực sự coi việc sử dụng ống nhòm là nghiêm túc và lâu dài.

Cùng một chiếc ống nhòm được căn chỉnh và chuẩn trực tốt từ các chuyên gia hoặc các kỹ thuật viên có kinh nghiệm của ThienVanViet.com sẽ cho chất lượng vượt trội so với ống nhòm khi chưa qua căn chỉnh và kiểm tra như hình dưới đây.

Các thông số cơ bản của ống nhòm và cách lựa chọn ống nhòm phù hợp

 

 8. Độ rộng của vùng tụ sáng

Độ rộng của vùng tụ sáng trên thị kính hay còn gọi là exit pupil (nói dễ hiểu hơn thì thông số này tương đương độ rộng của vòng tròn trên thị kính khi nhìn từ bên ngoài)

 Độ phóng đại và đường kính vật kính là yếu tố quyết định đến kích cỡ hay đường kính của vùng tụ sáng, yếu tố này quyết định xem ánh sáng truyền đến mắt người quan sát nhiều hay ít. Độ rộng của vùng tụ sáng có thể dễ dàng nhận biết khi để ống nhòm cách xa 1 tầm tay rồi nhìn xuyên qua ống nhòm từ phía thị kính, Vòng tròn sáng trong lòng thị kính chính là vùng tụ sáng của ống nhòm. Đường kính thực của vùng tụ sáng có thể tính được bằng cách lấy đường kính vật kính chia cho độ phóng đại, ví dụ với ống nhòm 7x50, thì đường kính vùng tụ sáng sẽ là 50/7 = 7.14, hoặc với ống nhòm 7x21 thì đường kính vùng tụ sáng sẽ là 21/7 = 3, có thể thấy sự chênh lệch về độ lớn vật kính ảnh hưởng lớn đến khả năng thu sáng cũng như vùng tụ sáng của ống nhòm. Ống nhòm có vật kính càng lớn thì khả năng thu sáng càng tốt và ngược lại, vật kính càng nhỏ thì mức thu sáng càng kém. Nếu muốn ống nhòm càng nhỏ gọn thì lại phải hy sinh bớt độ sáng của ảnh khi quan sát.

Vậy tại sao độ lớn của vùng thu sáng lại quan trọng đến thế, vì nếu trong điều kiện quan sát dư thừa hoặc đủ ánh sáng thì việc chênh lệch độ lớn giữa đồng tử mắt người và vùng tụ sáng không gây ảnh hưởng quá lớn, thậm chí mống mắt còn phải co hẹp lại để giảm bớt độ sáng khi quan sát. Tuy nhiên, trong điều kiện ánh sáng yếu, đồng tử của mắt phải mở rộng thêm ra để tăng cường khả năng thu nhận ánh sáng, thế nhưng vùng thu sáng của ống nhòm lại không thể mở rộng theo tương ứng, nên việc hạn chế vùng thu sáng sẽ làm cho chất lượng ảnh không thể cải thiện được, đây là điểm bất lợi cho những ống nhòm mà các chỉ số kỹ thuật thiếu sự cân bằng (độ phóng đại quá lớn, trong khi vật kính lại quá nhỏ). Về lý thuyết thì đồng tử trong mắt người có thể giãn nở cực đại lên đến 7mm, do đó nếu diện tích vùng thu sáng trên ống nhòm quá nhỏ, thì chất lượng ảnh cũng vẫn mờ và tối như vậy, nhưng nếu diện tích vùng thu sáng qua ống nhòm tương ứng lên đến 7mm thì đồng tử có thể tiếp nhận gần như hoàn toàn các tia sáng thu được nên ảnh sáng và rõ. Vì vậy rất dễ hiểu khi ống nhòm 7x50 thường được dùng để quan sát các vùng mờ tối hoặc quan sát thiên văn.

 Về lý thuyết là vậy, thế nhưng theo thời gian và tuổi tác, khả năng mở rộng đồng tử của mắt người bị giảm sút và không còn tốt như thời còn tuổi trẻ nữa, biên độ điều tiết độ dày-mỏng của thuỷ tinh thể cũng kém đi nhiều, đường kính đồng tử khi mở rộng cực đại giảm dần từ 7mm xuống 6, 5,4,3 tương ứng với từng quãng thời gian khoảng 10 năm kể từ sau năm 40 tuổi. Vì vậy, khi chọn lựa ống nhòm cũng cần phải quan tâm đến lứa tuổi của người sử dụng cho phù hợp, trường hợp nếu còn đôi chút bối rối khi lựa chọn phù hợp với lứa tuổi, xin hãy gửi mail đến địa chỉ tuvanthienvanviet@gmail.com hoặc điện thoại trực tiếp để được tư vấn tốt nhất.

 

9. Độ rộng của trường quan sát khi nhìn qua ống nhòm (FOV- Field Of View)

  Độ rộng của trường quan sát là diện tích khu vực quan sát được, thường được tính toán và đo lường bằng đơn vị độ. Trường quan sát càng rộng thì càng nhìn được nhiều đối tượng hơn, trường quan sát rộng có ý nghĩa khá quan trọng khi quan sát các đối tượng hay chuyển động như chim, bướm, động vật hoặc các hoạt động thể thao. 

   

10. Hệ số thu sáng của ống nhòm

 Hệ số thu sáng của ống nhòm cho biết khả năng thu sáng của một ống nhòm đến đâu (hay nói cách khác là đo lường mức độ sáng của ảnh quan sát), hệ số này được tính bởi việc bình phương chỉ số của vùng thu sáng, ví dụ 7.1x7.1 = 50.41 là hệ số thu sáng của một ống nhòm 7x50. Hệ số này càng lớn thì thì khả năng quan sát trong điều kiện thiếu ánh sáng của ống nhòm càng tốt.

 Hệ số thu sáng khoảng từ 25 trở lên là đủ để quan sát tốt các vật trong bóng tối mờ. Tuỳ thuộc vào độ tuổi của người quan sát mà độ rộng của đồng tử cũng khác nhau, do đó nếu hệ số thu sáng quá lớn thì mắt người cũng không thể thu nhận hết được, do vậy cần lưu ý để chọn ống nhòm được tối ưu nhất, tránh lãng phí hoặc "ham hố" theo đuổi các thông số nghe có vẻ "khủng" của ống nhòm, nhưng thực ra lại là tính năng dư thừa với nhu cầu của bản thân người sử dụng.

 Ngoài ra còn một chỉ số nữa, tạm gọi là chỉ số đánh giá khả năng hiển thị chi tiết của ống nhòm (Twilight Factor), chỉ số này cho biết khả năng ống nhòm có thể nhìn rõ ảnh chi tiết đến mức nào, tuy nhiên do cách tính toán của chỉ số này lại tỷ lệ thuận với độ phóng đại nên thực tế cho thấy chỉ số này thực ra khá “vô dụng”, nó thường được các nhà sản xuất đưa vào để quảng cáo giới thiệu cho thêm phần “màu mè” là chủ yếu. Không nên để yếu tố phụ này làm ảnh hưởng đến việc chọn lựa ống nhòm.

  

11. Khoảng đặt mặt của ống nhòm (Eye Relief)

 Khoảng đặt mắt của ống nhòm có thể hiểu là khoảng cách từ mắt đến ống nhòm khi quan sát sao cho lúc đó trường nhìn của ống nhòm là lớn nhất. Đây là thông số ít khi được quan tâm đến, nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng khi chọn lựa ống nhòm, vì nó quyết định đến việc quan sát có thoải mái hay không hoặc có đảm bảo chất lượng ảnh trong môi trường quan sát hay không.

Thông thường nếu ống nhòm càng có độ phóng đại lớn thì khoảng cách đặt mắt để quan sát lại càng ngắn, kể cả đó là ống nhòm cao cấp đi chăng nữa thì vấn đề về khoảng đặt mắt quá ngắn vẫn là rào cản gây bất tiện lớn khi quan sát. Trường hợp khoảng đặt mắt để quan sát quá ngắn, người quan sát sẽ phải đưa sát mắt vào thị kính, làm lông mi mắt quẹt vào thị kính gây bẩn và mờ bề mặt thị kính khiến chất lượng lại càng bị giảm sút hơn (đây là thực tế thường xuyên xảy ra khi quan sát và rất khó khắc phục).

Do vậy, cần chọn lựa loại ống nhòm có khoảng đặt mắt phù hợp, tránh việc chọn phải những ống nhòm có thông số nghe có vẻ "ấn tượng" nhưng khoảng đặt mắt lại quá tệ, sẽ khiến cho việc quan sát rất khó khăn, thậm chí khiến ống nhòm trở nên gần như vô dụng.

  

12. Chọn địa điểm mua hàng phù hợp

 Ngoài ra, khi chọn lựa hay mua sắm ống nhòm, cũng nên chú ý đến việc nơi bán hoặc người bán ống nhòm có hiểu biết thực sự về sản phẩm và có uy tín hay không. Một người bán hiểu biết và có uy tín  thường sẽ tư vấn kỹ cho người sử dụng với các thông tin chính xác, chuyên nghiệp, đồng thời giúp bạn chọn lựa ống nhòm phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng. Theo lẽ thường, những nơi cung cấp các sản phẩm quang học đa dạng và có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực quang học sẽ là nơi người mua chọn được những sản phẩm ưng ý và phù hợp nhất, nếu để ý, chỉ cần đọc thông tin sản phẩm hoặc xem cách họ trình bày và giới thiệu sản phẩm là sẽ biết được phần nào phạm vi hiểu biết của người bán hàng có thực sự nắm bắt và biết rõ về những sản phẩm mình đang bán hay không. Cần tránh những nơi bán nhỏ lẻ, cá nhân hoặc các công ty không chuyên khi tìm mua sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm đặc thù như thiết bị quang học nói chung hoặc ống nhòm nói riêng. Những địa chỉ thiếu uy tín hay những người bán hàng kém chất lượng và thiếu hiểu biết phần lớn thường rất hay đăng các bài viết bán hàng và quảng cáo sản phẩm với các thông tin “hoành tráng” trên các trang mạng xã hội và các trang web ký gửi bán hàng theo dạng shop và store để “câu” khách và câu like, nhưng thực tế thì chất lượng sản phẩm thường sai lạc và khác xa so với thực tế “phũ phàng” mà người dùng nhận được, đối với những trường hợp này người mua nên tránh sớm để đỡ phải “tiền mất – tật mang”.

 Trong thực tế, nghe thì có vẻ khá khôi hài và trái khoáy, nhưng rất nhiều người bán ống nhòm hoặc nhân viên của các shop, các công ty kinh doanh thiết bị quang học lại hoàn toàn không hiểu biết gì về ống nhòm, đôi khi họ còn không biết ngay cả cách sử dụng và chỉnh nét sao cho đúng cách chứ chưa cần phải đề cập đến các yêu cầu kỹ thuật cao hơn. Do vậy, đừng bao giờ đặt mua hay chấp nhận các đơn hàng từ những địa chỉ hay người bán mà họ không thể cung cấp các thông tin về ống nhòm một cách rõ ràng, thiếu đầy đủ và chuyên nghiệp. Thậm chí ở một số nơi bán hàng, để “giấu dốt” nên họ thường sao chép các thông số kỹ thuật trên mạng một cách máy móc rồi sử dụng phần mềm dịch chuyển ngữ tự động với ngữ nghĩa khi dịch ra đọc rất “ngô nghê” và sai lệch hoàn toàn so với thuật ngữ chuyên môn, vậy mà vẫn tự tin post bài lên để quảng cáo bán hàng để loè người tiêu dùng  kèm với một số câu sáo rỗng như : ống nhòm siêu zoom, siêu nét, siêu phóng đại.. (khi mua hàng cần đặc biệt tránh những nơi như thế này, cho dù đó là bất cứ mặt hàng gì đi chăng nữa chứ không riêng gì sản phẩm ống nhòm).

 Nếu đặt mua ở những nơi có dịch vụ chăm sóc sau bán hàng tốt, người bán hiểu biết về sản phẩm thì người mua sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với việc mua hàng trôi nổi, cho dù ở một số nơi, giá cả có thể đôi khi chênh lệch đôi chút (đặc biệt là khi mua trực tiếp tại các hãng lớn hoặc các công ty chuyên doanh về lĩnh vực quang học hoặc ống nhòm...), nhưng mức chênh lệch này hoàn toàn không đáng kể gì so với những giá trị mà người mua được hưởng từ các dịch vụ chăm sóc và bán hàng chuyên nghiệp. Do vậy, đầu tư mua sắm một chiếc ống nhòm tốt và phù hợp để sử dụng có thể coi là khoản đầu tư dài hạn và hiệu quả do những giá trị mà một sản phẩm tốt mang lại, nhưng đi đôi với đó cũng cần đôi chút tỉnh táo và sáng suốt khi chọn lựa và cũng đừng nên quá ham rẻ mà mua phải hàng chất lượng quá kém. Đừng bao giờ để mất tiền cho những thứ mà bạn mua về không dùng được, cho dù chúng có rẻ đến bao nhiêu đi chăng nữa, vì một khi sản phẩm đã không sử dụng được hoặc chất lượng quá kém thì đồng nghĩa với việc chúng chỉ là đồ bỏ đi mà thôi.

 

 

Trên đây là các thông số cơ bản nhưng rất hữu ích khi chọn lựa một chiếc ống nhòm tốt và phù hợp với nhu cầu sử dụng của bạn, chỉ cần chú ý một chút hoặc chịu khó đọc kỹ là bạn đã có thể tự chọn cho mình một chiếc ống nhòm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng và ngân sách của chính bạn.

 

Chúc bạn thành công!

Trân trọng!

Nhóm tác giả: ThienVanViet.com

 

Cần ghi rõ nguồn nếu trích dẫn nội dung, xin cảm ơn!

 

 

 

 

Câu hỏi bổ sung

Tôi muốn tìm hiểu các bộ phận của ống nhòm để hiểu hơn về ống nhòm tôi đang có thì xem ở đâu.

 

Trả lời

 

Trường hợp nếu muốn tìm hiểu thêm các thông số và các bộ phận của ống nhòm, xin hãy xem thêm bài viết khác của thienvanviet.com tại Đây

Trường hợp bạn muốn chọn lựa một chiếc ống nhòm theo nhu cầu và mục đích sử dụng, xin hãy cân nhắc kỹ ngân sách cũng như mục đích sử dụng chính để chọn lựa phù hợp nhất, trường hợp còn phân vân khi chọn lựa hoặc cần tư vấn thêm xin hãy liên hệ trực tiếp với đội ngũ kỹ thuật và chuyên gia của thienvanviet.com để đảm bảo cho việc đầu tư một chiếc ống nhòm tốt xứng với “đồng tiền bát gạo” mà bạn đã bỏ ra. Hoặc có thể tham khảo bài viết hướng dẫn một số cách chọn lựa ống nhòm theo mục đích sử dụng tại Đây.

 

 

 

WEBSITE THÀNH VIÊN

Thienvanvietnam Kiến thức cần biết khi chọn thiết bị quang học Sửa chữa các loại máy đo khoảng cách SỬA CHỮA CÁC LOẠI ỐNG NHÒM