Có đúng là Ống nhòm lăng kính Porro thì tốt hơn Ống nhòm dạng Roof ?

So sánh và đánh giá chất lượng ảnh của ống nhòm dạng lăng kính Porro và ống nhòm dạng lăng kính Roof

Liên hệ

Mã sản phẩm: TV-324

Giao hàng: Chi tiết

Tình trạng: Còn hàng

Liên hệ mua hàng: (024)- 38.535.737 - 0784 619 619 (zalo online 24/24)

Số lượng

Câu hỏi:

 

Có đúng là Ống nhòm lăng kính Porro thì tốt hơn Ống nhòm dạng Roof cả về chất lượng ảnh và thiết kế?

 

Trả lời:

 

    Sai: Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng ống nhòm có thiết kế dạng lăng kính phản xạ Porror (Porro Prisms) thì luôn cho ảnh tốt hơn ống nhòm có thiết kế lăng kính dạng Roof (Roof Prisms), nhưng điều này là không chính xác. Trong thực tế khi so sánh một cách công bằng thì chất lượng ảnh của 2 dạng thiết kế này có thể coi là tương đương nhau, mặc dù hiện nay ở các phân khúc ống nhòm tầm trung và tầm thấp, với cùng giá thành sản phẩm, ống nhòm có lăng kính Porro đôi khi (không phải luôn luôn) cho chất lượng ảnh có tông màu đẹp hơn một chút và ảnh quan sát có chiều sâu hơn so với ống nhòm Roof. Do nguyên lý tạo ảnh của ống nhòm lăng kính Porro dựa trên nguyên tắc phản xạ trong toàn phần của ánh sáng khi gặp bề mặt lăng kính, các tia sáng tạo ảnh được bảo toàn phần lớn trong quá trình truyền dẫn nên có tỷ lệ thu sáng cao, độ phân giải ảnh tốt (điều này chỉ đúng với một số loại thủy tinh quang học nhất định, không phải tất cả mọi ống nhòm có lăng kính Porro đều có được thiết kế lăng kính phản xạ toàn phần. Thậm chí ngay cả khi ống nhòm đó có lăng kính phản xạ toàn phần thì về lý thuyết là quá trình phản xạ sẽ xảy ra toàn phần, nhưng thực tế thì hiệu suất phản xạ không bao giờ đạt mức tuyệt đối 100% mà vẫn có một lượng ánh sáng nhỏ bị thất thoát trong quá trình phản xạ trên lăng kính Porro).

    Khác với nguyên lý tạo ảnh của ống nhòm Porro là loại ống nhòm có lăng kính dạng Roof, tuy cũng dựa trên nguyên tắc phản xạ của ánh sáng, nhưng quá trình phản xạ tia sáng của lăng kính Roof không được tối ưu như thiết kế lăng kính Porro, một bộ phận nhỏ (rất ít) ánh sáng bị thất thoát và lệch pha (lệch sóng) trong quá trình truyền dẫn kiến chất lượng ảnh bị giảm sút đôi chút, giá trị biên độ thay đổi này có xu hướng lớn hơn đối với các ống nhòm cổ và cũ, vấn đề này thường làm đau đầu các nhà chế tạo trước đây.

    Mặc dù vậy, các yếu tố trên chỉ đúng về mặt lý thuyết và chủ yếu nói đến phần lớn các loại ống nhòm xưa cũ (khi công nghệ chế tạo ống nhòm chưa được tiên tiến như ngày nay) hoặc đề cập đến các loại ống nhòm rẻ tiền trên thị trường.

    Hiện tại, để xử lý vấn đề trên, rất nhiều ống nhòm lăng kính Roof  được trang bị thêm công nghệ tráng phủ dielectric (lớp phủ siêu bền chắc với khả năng phản xạ trên 99.8% lượng ánh sáng nhận được) và lớp phủ hiệu chỉnh để chống lệch pha các bước sóng ánh sáng, khiến chất lượng ảnh của  ống nhòm có lăng kính Roof không thua kém gì (thậm chí tốt hơn) chất lượng ống nhòm có lăng kính Porro (nhiều loại ống nhòm có lăng kính Porro còn tỏ ra “đuối sức” khi được đánh giá cùng các ống nhòm Roof loại tốt). Điều này lý giải số lượng lớn, chiếm ưu thế của ống nhòm dạng Roof ở phân khúc ống nhòm cao cấp hoặc các ống nhòm chuyên dụng để ngắm chim, bướm, hoa cỏ hoặc các vật quan sát có màu sắc đa dạng phức tạp, đòi hỏi tông màu phải thật chuẩn và độ nét cao. (Nếu chất lượng ảnh đã ngang bằng hoặc hơn, thì các yếu tố còn lại sẽ “ghi điểm” khi chọn lựa ống nhòm). Thậm chí, ngay cả khi không được tráng phủ lớp phản quang dielectric thì các ống nhòm lăng kính Roof chất lượng tốt vẫn có hiệu năng rất mạnh mẽ, phần lớn các ống nhòm đạt danh hiệu "Ống nhòm tốt nhất trong năm" (Best of the Year) từ các tạp chí quang học hoặc web site uy tín bình chọn trong trong nhiều năm liên tiếp đều phần lớn là ống nhòm lăng kính  Roof, số lượng ống nhòm lăng kính Porro bị lép vế một cách rõ rệt khi ở phân khúc các ống nhòm cao cấp.

    Kết luận: Hoàn toàn sai lầm khi cho rằng ống nhòm có thiết kế lăng kính Porro thì cho chất lượng ảnh tốt hơn ống nhòm có thiết kế lăng kính Roof (nếu chỉ so sánh chất lượng ảnh của 2 thiết kế  ống nhòm một cách công bằng và không tính đến các yếu tố khác, do các yếu tố khác này cũng có ưu-nhược điểm đối với từng thiết kế nên chúng ta sẽ tiếp tục xét sau). Để đánh giá chất lượng quang học hay chất lượng thiết kế của một ống nhòm thì không thể chỉ dựa vào lý thuyết suông hay chỉ nhìn vào duy nhất thiết kế của hệ lăng kính, mà còn phải tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố không kém phần quan trọng khác như vật liệu chế tạo, kỹ thuật tráng phủ chống phản quang, khả năng hiệu chỉnh bước sóng ánh sáng, kết cấu vật kính, thị kính, các loại thủy tinh quang học trong hệ quang, các bộ phận bổ trợ, kính lọc bước sóng ánh sáng, độ cân bằng và ổn định của ảnh, màu sắc ảnh thu được hoặc khả năng thiết kế, trình độ kỹ thuật và mức độ tiên tiến của công nghệ khi chế tạo…. (Những điều này chúng tôi (Thiên Văn Việt) sẽ tiếp tục phân tích sâu và cụ thể hơn đối với mỗi yếu tố ở các câu trả lời khác).

    Và điều cuối cùng quan trọng nhất: Hãy tin vào chính mắt của bạn, tin vào trải nghiệm thực tế của bản thân và cảm giác rút ra từ chính quá trình sử dụng nếu có điều kiện so sánh nhiều loại ống nhòm với nhau, đó mới chính là nhân tố chủ đạo khi chọn lựa ống nhòm, đừng vội vàng tin tưởng những lời quảng cáo ảo hoặc mớ lý thuyết suông để rồi có những chọn lựa không được như ý. Rất nhiều người khi đến thử nghiệm ống nhòm tại Thiên Văn Việt lúc đầu chỉ mong muốn thử ống nhòm có lăng kính Porro mà không quan tâm đến loại nào khác, tuy nhiên, sau khi sử dụng thêm các loại ống nhòm lăng kính Roof và so sánh trực tiếp 2 dạng thiết kế với nhau, phần lớn đều thay đổi ý kiến hoặc có cái nhìn khác hẳn đối với các dạng thiết kế lăng kính của ống nhòm.

 

Trân trọng!

 

  Nhóm tác giả: Thiên Văn Việt (www.thienvanviet.com)

 

WEBSITE THÀNH VIÊN

Thienvanvietnam Kiến thức cần biết khi chọn thiết bị quang học Sửa chữa các loại máy đo khoảng cách SỬA CHỮA CÁC LOẠI ỐNG NHÒM